Theo dấu chân voọc Cát Bà

Đảo Cát Bà không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi trú ngụ của một loài linh trưởng vô cùng đặc biệt – Trachypithecus poliocephalus, được biết đến với cái tên Voọc Cát Bà. Với vẻ ngoài độc đáo và tình trạng đáng lo ngại của số lượng cá thể, đàn voọc được cho là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chung cao nhất trên thế giới.

Nguồn ảnh: Internet

Voọc Cát Bà, hay còn gọi là voọc đầu vàng, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, cùng với voọc mông trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám và vượn mào đen Phương Đông. Voọc Cát Bà chỉ sống duy nhất trên đảo Cát Bà. Chúng thường leo lên các cây cao hoặc núi đá vôi gần biển để tìm kiếm thức ăn. Loại thức ăn chính của voọc Cát Bà bao gồm lá cây, quả cây rừng và thậm chí là những loại quả có độc như quả sơn. Đặc biệt, khi trời nắng to, khô hạn và không có nước trên núi đá, chúng còn biết sử dụng đuôi để nhúng vào nước biển và uống.

Nguồn ảnh: Internet

Voọc Cát Bà thường di chuyển ra khu vực núi đá gần biển vào buổi sáng để tìm kiếm thức ăn, sau đó vào rừng và nghỉ trong hang đá vào ban đêm. Khi đàn voọc đang ăn, vui chơi, con đầu đàn sẽ đứng trên đỉnh núi cao để quan sát và đưa ra những tiếng hú, tiếng gầm để cảnh báo cho cả đàn nếu có nguy hiểm lớn. Trong trường hợp đó, con đầu đàn sẽ chỉ đường cho cả bầy rút lui vào nơi an toàn.

Nguồn ảnh: Internet

Ngoài những đàn lớn, có nhiều con voọc đực sống độc lập hoặc tụ tập thành từng nhóm đi lang thang trong rừng sâu. Đôi khi, một số con đực có thể biến mất trong nhiều tháng rồi lại xuất hiện trở lại. Điều này làm việc kiểm đếm số lượng voọc Cát Bà gặp nhiều khó khăn. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra quy ước rằng, nếu một con voọc không xuất hiện trong 6 tháng, thì sẽ bị loại khỏi danh sách.

Nguồn ảnh: Internet

Trước đây, Cát Bà từng có hàng nghìn con voọc. Tuy nhiên, thói quen sống dựa vào rừng và việc săn bắt động vật của người dân, cùng với sự gia tăng dân số trên đảo, đã khiến quần thể voọc Cát Bà suy giảm nghiêm trọng. Với chỉ còn 76 cá thể tồn tại trong tự nhiên, những nỗ lực bảo tồn gấp rút là cần thiết để bảo vệ voọc và môi trường sống của chúng.

Nguồn ảnh: Internet

Nhận thức về sự cấp bách trong việc bảo vệ Voọc Cát Bà, các tổ chức bảo tồn, cộng đồng địa phương và cơ quan chính quyền đã cùng nhau triển khai các hoạt động bảo tồn quan trọng. Việc thành lập các khu bảo tồn và siết chặt quy định chống săn bắn và khai thác gỗ đã đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự sống còn của voọc. Các chương trình giáo dục cộng đồng và các hoạt động du lịch sinh thái cũng đóng góp vào việc nâng cao nhận thức và tạo ra sự ủng hộ cho việc bảo tồn voọc.

Nguồn ảnh: Internet

Hãy cùng nhau chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống cho đàn Voọc Cát Bà quý hiếm và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của giống loài này nhé!